Quần đảo Trường Sa - miền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam - là một tập hợp hơn một trăm đảo nhỏ, bãi đá san hô, bãi cạn, bãi ngầm và bao bọc một vùng biển rộng khoảng 200.000 km2, nằm trong biển Đông, ở phía đông và đông nam bờ biển Việt Nam. Nhưng như người xưa gọi Trường Sa là Vạn lý Trường Sa, có nghĩa là rất xa, xa tít mù khơi, xa tận phía chân trời. Lại bảo, đó là quần đảo bão tố, nghĩa là quanh năm sóng gió, bốn mùa bão giông… Đến được xứ sở dường như chỉ có biển trời ấy thật không phải dễ; không phải lúc nào, không phải ai cũng đến được, nhất là các em nhỏ!
Nhà văn Nguyễn Xuân Thuỷ - nhà văn trẻ của quân đội, người đã có những năm tháng sống, công tác ngoài quần đảo Trường Sa. Chính nơi đây anh đã nhận ra phần lãnh thổ thiêng liêng này không chỉ là một vị trí tiền tiêu của Tổ quốc, xứ sở của bão tố trùng khơi... lại còn chứa đựng bao điều kỳ thú. Bằng tài năng và tình yêu biển đảo, yêu các em nhỏ của mình đã “gói” trọn dường như cả Trường Sa vào cuốn sách có tên "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" làm quà tặng cho các em.
Ảnh bì trang sách
"Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" được NXB Kim Đồng ra mắt đúng dịp kỉ niệm 10 năm tác giả Nguyễn Xuân Thủy chia tay Trường Sa. Tác phẩm đã đạt giải thưởng vàng sách hay năm 2012 của Hội xuất bản Việt Nam. Trong tác phẩm của mình, anh đã tự sắm vai người dẫn đường trong hải trình dài gần 1.000km để đưa người đọc đến với vùng biển đảo xa xôi của Tổ Quốc. Như một chuyến du lịch , bằng ngôn từ và hình ảnh đẹp, "Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa" sẽ đưa bạn đọc ghé thăm hầu hết các đảo trong Quần đảo Trường Sa để hiểu biết thêm về cuộc sống, thiên nhiên, cây cối, loài vật... sống trên quần đảo. Qua chuyến đi, bạn đọc sẽ thêm hiểu và yêu hơn Trường Sa - một phần máu thịt không thể tách rời của Đất Mẹ Việt Nam.
Chuyến du lịch đặc biệt qua trang sách được chia làm 6 phần chính gồm: Ra đảo - Mùa biển lặng - Mùa biển động - Kì thú biển trời Trường Sa - Thám hiểm đáy biển Trường Sa - Những người giữ đảo.
Mở gói quà mang tên Trường Sa ra các chúng ta sẽ thấy mình như bắt đầu một cuộc phiêu lưu, đúng hơn là một cuộc hành trình “vạn dặm” ra đảo. Ra đảo là những bước làm quen với hành trình từ đất liền ra Trường Sa. Ngay khi con tàu của các chú hải quân nhổ neo rời bến cảng, những chuyện kỳ thú đã bắt đầu: Những cơn say sóng “lên bờ xuống ruộng” trên tàu… trên hải trình ra Trường Sa, chúng ta còn được nhìn thấy những chú cá biết bay, những chú cá heo thân thiện... và đặc biệt là cảm giác “say đất” khi đặt chân lên đảo.
Trên đường ra đảo (minh họa)
Rồi tất cả quen đi, trước mắt ta đảo xanh đã hiện ra.
Còn mùa này “Biển động”, tác giả “dành cho những người ưa cảm giác mạnh và thích khám phá”. Nhưng khi nghe đến những con sóng bạc đầu, những cơn gió muối có thể “khiến cho những ổ điện bị chập…lá cây bị cháy táp và rụng sạch” thì chúng ta có dám nghĩ quần đảo bão tố đó đẹp không? Vậy con người ở Trường Sa đã ứng xử với thiên nhiên và chế ngự nó ra sao để tồn tại? Chúng ta hãy cùng khám phá Trường Sa trong mùa biển động để tìm câu trả lời.
Mùa biển động (minh họa)
“Khi mùa giông gió qua đi, Mùa biển lặng là một khoảng thời gian đáng nhớ đối với những người ở Trường Sa. Mỗi đảo được mặc một chiếc áo mới màu xanh mỡ màng…Nắng pha lê trong suốt rải đều trong vắt và tinh khiết lên biển đảo. Mặt trời tháng tư hiền dịu. Gió cũng chỉ nhè nhẹ đủ lay những lộc non mới nhú và rập rờn đuôi mũ hải quân của các chú bộ đội…”
Mùa biển lặng (minh họa)
Bạn có thể tưởng tượng mình đang ngắm hoàng hôn trên Trường Sa những ngày biển lặng. Không phải ở nơi đâu trên đất nước mình cũng có thể ngắm hoàng hôn trên biển, đây gần như là “đặc sản Trường Sa”. “Thứ ánh vàng trải trên mặt nước xanh sậm, đậm đà hơn ánh vàng trong suốt và thanh khiết của bình minh. Mặt biển bao la nhuộm một màu vàng suộm, sánh vàng như mật”. Trong cái thanh bình đẹp đẽ đó, “ngồi ngắm hoàng hôn xuống, các chú bộ đội đã rất nhớ bố mẹ, người yêu, bạn bè nơi đất liền”...
Thì ra, Trường Sa không chỉ là đảo xa, là đảo giông bão mà dưới ngòi bút của tác giả Nguyễn Xuân Thuỷ đó là một xứ sở diệu kỳ, xứ sở thần tiên như cổ tích với những buổi ban mai và hoàng hôn kỳ ảo; với những bãi cát bên bờ sóng, rặng san hô dưới đáy bể đẹp như những bức tranh. Rồi thì những cây, những hoa, những quả dường như chỉ ở Trường Sa mới có như cây phong ba, như quả bàng vuông...; rồi những vật nuôi được các chú bộ đội đem từ đất liền ra như những con vàng, con vện, những chú ỉn, những đàn bồ câu, những bầy vịt, bầy gà đã được “Trường Sa hoá”, “quân sự hoá” gần gụi gia đình mà giờ giấc “kỷ cương”, và cả những “vị khách không mời mà đến” chít chít ngày đêm…
Kỳ thú biển trời Trường Sa (minh họa)
Tiếp đến, tác giả như vô tình để mọi người đi lạc vào chốn thuỷ cung với những sắc màu huyền ảo, những kỳ hoa dị thảo cùng muôn loại cá, tôm, cua, ốc… mà có những loài lần đầu tiên trong đời các em mới thấy. Đây cũng chính là nguyên liệu mà những người ở Trường Sa tạo ra các món ăn và những món đồ lưu niệm đậm chất vị của biển để làm quà gửi vào đất liền. Cách chế biến các món ăn ra sao? Các món đồ lưu niệm được làm như thế nào? Hãy cùng “Thám hiểm đáy biển Trường Sa” để tìm hiểm những bí ẩn của đại dương bao la các em nhé!
Thám hiểm đáy biển Trường Sa (minh họa)
Ra đảo, đến với Trường Sa không thể không nhắc tới Những người giữ đảo, giữ bình yên cho biển trời của Tổ quốc. Đó là những chiến sĩ Trường Sa. Các chú từ mọi miền quê nơi đất liền ra đảo. Có chú ra đảo đã dăm bảy năm, vì nhiệm vụ “Tết cũng không về nhà”, nhưng các chú không buồn vì cả nước ngày đêm hướng ra Trường Sa, hướng ra những vùng biển đảo thiêng liêng khác nữa của Tổ quốc.
Những người giữ đảo (minh họa)
Trên các đảo ở Quần đảo Trường Sa, dù đảo nổi hay đảo chìm đều không thể thiếu cột mốc chủ quyền thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hòn đảo đó. Nhiều cột mốc được xây dựng khá đẹp như cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa lớn, đảo Song Tử Tây, đảo Nam Yết… trên mỗi cột mốc có ghi tên đảo, kinh độ, vĩ độ của hòn đảo và bên cạnh cột mốc chủ quyền bao giờ cũng là cột cờ Tổ quốc.
Cột mốc chủ quyền(minh họa)
Từ hàng trăm năm nay, các thế hệ cha ông đã tốn bao công sức với sự dũng cảm, khắc phục khó khăn thậm chí phải đổi bằng tính mạng để giữ gìn quần đảo Trường Sa. Ngày 29 tháng 4 năm 1975 Quần đảo Trường Sa được giải phóng. Từ đó đến nay tuy Trường Sa thuộc quyền quản lí của Việt Nam nhưng vẫn thường bị các thế lực ngoại bang dòm ngó. Trường Sa vẫn luôn cần được bảo vệ từng ngày từng giờ và để bảo vệ quần đảo yêu dấu của Tổ quốc đã có những chú bộ đội phải ngã xuống. Ở Trường Sa có một đảo mang tên là đảo Phan Vinh thay cho cái tên vốn có của hòn đảo là Hòn Sập. Vậy Phan Vinh là ai? Vì sao lại được chọn đặt tên cho đảo? Ở trong Những người giữ đảo, chú Nguyễn Xuân Thuỷ đã giải thích rõ rồi đấy!
Trường Sa hôm nay đã có trường học với tiếng trẻ thơ, có tiếng chuông chùa; đã sáng, đã xanh nhờ ánh điện và cỏ cây. Và nếu các em muốn viết thư, gọi điện thoại ra Trường Sa cho các chú bộ đội cũng chẳng khó khăn gì, trong trang cuối của cuốn sách, tác giả Nguyễn Xuân Thuỷ đã có hướng dẫn. Mỗi lá thư, mỗi cuộc điện thoại của các em sẽ là nguồn động viên tinh thần rất lớn với các chú bộ đội
Qua những trang viết giàu hình ảnh và đầy xúc cảm, độc giả sẽ được trải nghiệm cuộc sống trên đảo với nhiều cung bậc cảm xúc: một Trường Sa thật dữ dội, khắc nghiệt nhưng cũng thật hiền hòa, dịu êm; cuộc sống trên đảo có lúc cô đơn rợn ngợp nhưng cũng thật thú vị, đầm ấm, chứa chan tình người. Đọc xong cuốn sách, chắc hẳn mỗi độc giả sẽ đều ấp ủ mong muốn một lần được đến với Trường Sa.
Chỉ với một “gói quà nhỏ”, chỉ bằng chưa đầy 100 trang sách, nhà văn trẻ - chú bộ đội Nguyễn Xuân Thuỷ đã dẫn chúng ta đến được Trường Sa - miền biển đảo thân yêu của đất mẹ Việt Nam. Và các em thấy đấy, vùng đảo đó thật lắm thứ diệu kỳ và vô vàn điều thú vị, Trường Sa không xa, và vạn dặm Trường Sa đã hiện hữu ngay trên tủ sách nhà trường.
Đọc xong cuốn sách, đọc về Trường Sa, hiểu về Trường Sa để chúng ta thêm yêu Trường Sa, yêu thêm Tổ Quốc mình.
“Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo
Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn
Máu đã đổ ở Trường Sa ngày ấy
Bạn tôi nằm dưới sóng mặn vùi thân
Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi.”
-Tổ cộng tác viên Thư viện nhà trường thực hiện -